Nuôi loại gà thoạt nhìn dễ chê bé tí, ai ngờ chị nông dân Kiên Giang cứ nói bán người ta tranh nhau mua

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh, trong đó, có mô hình nuôi gà tre theo quy mô trang trại an toàn sinh học của gia đình chị Thị Hoanh (46 tuổi), ngụ ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng đạt lợi nhuận cao, mở hướng sản xuất mới cho nhiều hộ dân.

Sau khi đã ăn no tại chuồng, đàn gà chạy ùa ra sân vườn khi chị Hoanh vừa kéo mở tấm cửa chuồng. 

Chỉ tay về hướng hàng ngàn con gà tre khỏe mạnh trọng lượng từ 1,2-1,4kg/con đã tới kỳ xuất bán đua nhau rượt đuổi tìm côn trùng dưới những tán cây mát rượi, chị Hoanh cho biết: “Hiện tôi có tổng số 3.000 con gà tre và 500 con gà nòi thương phẩm. 

Hôm qua chốt giá với công ty 85.000 đồng/kg, dự tính trừ chi phí tôi thu lãi hơn 85 triệu đồng sau hơn 40 ngày nuôi”.

Với 2 trại nuôi và khu vực cho gà vận động tổng diện tích trên 500m2, chị Hoanh nuôi được 3 lứa gà/năm, quy mô từ 2.500-3.000 con/lứa, trừ hết chi phí, cứ 1.000 con chị thu lãi từ 20-25 triệu đồng. 

Nuôi loại gà thoạt nhìn dễ chê bé tí, ai ngờ chị nông dân Kiên Giang cứ nói bán người ta tranh nhau mua- Ảnh 1.

Chị Thị Hoanh tại chuồng nuôi gà tre của gia đình tại ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

 

Theo lời chị Hoanh, 5 năm trước, chị thấy một người quen nuôi thành công gà tre, giá bán ổn định từ 80.000-85.000 đồng/kg nên chị học hỏi và nuôi thử. Lứa đầu tiên, chị Hoanh kê tạm chuồng nhỏ bằng cây lá đơn sơ nuôi thử nghiệm 1.000 con.

Do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu đàn gà hao hụt 50 con, nhưng chị rút ra được nhiều bài học trong kỹ thuật chăn nuôi gà tre thương phẩm.

Để đảm bảo con giống chất lượng, đầu ra ổn định, chị Hoanh liên kết với công ty chuyên cung cấp con giống. 

Trước khi vận chuyển đến tận chuồng nuôi, gà giống được tiêm ngừa đủ liều vaccine phòng bệnh nên suốt quá trình nuôi gà luôn khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt chỉ từ 5-8%. 

Ngoài ra, chị Hoanh còn được công ty này cung cấp thức ăn chăn nuôi đến khi bán gà mới thanh toán nên giảm áp lực về chi phí đầu vào. Đến kỳ xuất bán, toàn bộ gà thương phẩm được nơi cung cấp con giống, thức ăn thu mua nên chị Hoanh không phải lo về khâu tiêu thụ. 

Nhằm giảm công chăm sóc, chị Hoanh đầu tư chuồng nuôi theo hướng công nghiệp, với hệ thống máng ăn, nước uống được cấp tự động theo từng giai đoạn phát triển của đàn gà.

Ngoài gà tre, chị Hoanh còn nuôi thêm gà nòi thương phẩm. Dù nuôi với số lượng lớn nhưng khu vực chuồng nuôi không hề có mùi hôi nhờ chị sử dụng trấu phối trộn với men vi sinh làm đệm lót sinh học dưới đáy chuồng.

Phương pháp này không chỉ bảo vệ môi trường còn giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bệnh. Gia đình chị Hoanh có 40 công đất ruộng canh tác lúa 3 vụ, bình quân mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 160-200 triệu đồng. 

Tuy nhiên, theo chị Hoanh, để nuôi được 2 đứa con đang theo học cao đẳng chuyên ngành sửa chữa ô tô và y dược tại TP Rạch Giá thì chủ yếu dựa vào đàn gà.

Chị Hoanh nói: “Nuôi gà tre, gà nòi thương phẩm theo hướng bán công nghiệp dễ chăm sóc, ít bệnh, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, thịt chắc, thơm nên bán được giá. Bán xong vụ này, nếu con giống không khan hiếm và ổn định từ 13.000-16.000 đồng/con như hiện nay tôi sẽ tăng quy mô nuôi”.